(Ngày 29 tháng 4 năm 2018 – Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh, năm B) 1 - “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 - Cành nào ...
(Ngày 29 tháng 4 năm 2018 – Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh, năm B)
1 - “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 - Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.
3 - Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 - Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. 5 - Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.6 - Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.7 - Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.
8 - Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
Suy niệm
Bài tin mừng hôm nay làm tôi nhớ đến hình ảnh Bữa tiệc ly hôm nào. Khi ấy:
Cũng đang bữa ăn… Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”.(Mc 14, 23-24)
Chúa Giesu đã dùng đi dùng lại tới 8 lần, rất hiếm khi Người lại sử dụng ngôn từ như vậy. Với từng từ "ở lại", Người nhắc đi nhắc lại "thân phận" của mỗi người chúng ta. Chúng ta là "Cành", không phải là "Thân". Không cành nào có thể sống, sinh hoa kết trái mà không có thân. Ngược lại, không có thân cây nào tồn tại nếu không vươn cành, ra lá ra hoa và đơm hoa kết trái. Đó là một ví dụ rất cụ thể, rất thực tế nói về mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người. Dù Người là Ngôi Hai, là con của Thiên Chúa nhưng chưa một lần người dùng quyền năng để áp đặt hay thống trị con người. Và dù ta có bội phản Người thế nào, thì Người vẫn ủi an, nhẹ nhàng săn sóc, chỉ bảo và yêu thương với tất cả sự trìu mến.
Nghĩ đến đó, tôi chợt cảm thấy muốn khóc, lòng trí tôi xao động dữ dội bởi tình yêu của Người. Đứng trước thềm của ơn gọi Hôn nhân, tôi càng thấu hiểu Tình yêu quên mình vì người mình yêu đó. Tôi thấy mình thật yếu đuối bởi thân xác tôi quá nặng nề. Trước ánh sáng của Chúa, tôi thấy mình thật biếng nhác với trách nhiệm và vai trò của mình, trong tình yêu với vị hôn thê, với anh chị em. Tôi quá yêu mình thay vì thực thi theo thánh ý Chúa; mặc dù bản thân tôi biết rõ, Thánh ý Ngài đang biểu đạt với tôi theo cách này hay cách khác.
Một thời gian dài tôi đã cố gắng "vượt lên" số phận, thậm chí còn thách thức thánh ý của Ngài trên tôi. Thật may, Người dư quyền năng để làm tôi nhận biết thân phận của mình, vai trò của mình và tôi đã đáp lời Ngài bằng sự quay đầu đúng lúc. Đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn tự hỏi:
- Vì sao Ngài lại tỏ bày uy quyền vào thời điểm đó với tôi?
- Nếu khi ấy tôi vẫn một mực chống lại Thánh ý Người thì bây giờ tôi thế nào?
- ...
Bài tin mừng đã gợi lại trong tôi rất nhiều câu chuyện, đó là những trải nghiệm tôi khó mà quên. Hôm nay, Chúa lại gợi nhớ cho tôi. Tôi thực sự biết ơn Ngài vì luôn gợi ý cho tôi những điều tôi cần, đúng thời điểm. Tôi không rõ sinh mệnh này Người quan phòng cho tôi thế nào, nhưng từ lâu trong đời sống và suy nghĩ của mình, mỗi kinh mỗi việc tôi làm Chúa đều ngự trị. Cuộc đời còn lại của mình tôi xin dâng Ngài như khúc ca trầm bổng, lộn xộn.
Ý cầu nguyện
Nguyện xin Chúa ở lại trong con và giữ con trong Chúa. Xin dâng Chúa mỗi ngày của con. Xin dâng cả người con chọn làm hiền thê và con cái của con. Xin Chúa Ba Ngôi luôn ở lại với gia đình nhỏ bé của con, dạy bảo con biết nên-phải làm gì là cần thiết nhất. Xin đừng để con thôi-ngừng yêu mến và phó thác nơi Chúa. Và đừng ngừng thôi thúc con thực hiện những việc bác ái. Chúa biết rõ con, xin đừng quên con!
Không có nhận xét nào