TRUE
HIDE

Headline

GRID_STYLE
TRUE
TO-LEFT
HIDE_BLOG

Tìm kiếm Blog này

2 Đức tin 4 in 1

Thế giới ngày nay đang náo nức chuyển mình cùng cuộc cách mạng công nghệ 4.0; còn người Kitô hữu thì sao? Tông huấn của Đức thánh cha ...


Thế giới ngày nay đang náo nức chuyển mình cùng cuộc cách mạng công nghệ 4.0; còn người Kitô hữu thì sao?

Tông huấn của Đức thánh cha Phanxico đang mời gọi chúng ta chung tay góp sức chăm lo hơn cho đời sống của các gia đình trẻ. Nhưng vấn đề ở chỗ, liệu tinh thần của mỗi người Kitô hữu đã "đủ" cho ơn gọi thánh thiêng này?

Với tôi, 2018 cùng hàng loạt biến cố đã và đang diễn biến khắp nơi trên thế giới này đang cần một cuộc cách mạng 4.1 hơn bao giờ hết. Vậy 4 in 1 ở đây là gì?

Bình thường chúng ta biết đến Mầu nhiệm 3 ngôi, tức là gồm Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần như chúng ta thường tuyên xưng đức tin mỗi khi làm dấu. Vậy vai trò và sự hiện hữu thực thể của chúng ta ở đâu?

Mỗi thân xác chúng ta chính là đền thờ của Chúa Thánh Thần, mọi thứ mà ta có đều bởi Chúa Cha ban tặng, và Chúa Ngôi hai hiện hữu trong mình và máu thánh nuôi dưỡng ta hàng ngày. Có thể nói rằng, ta chính là công cụ, là hình ảnh sống động nhất mà Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị và hoạt động.

Theo lý lẽ đó, thiên bản của mỗi người là sống vì người khác, mà trước hết là cho chính ta với ý thức luôn luôn là Ta và Thiên Chúa là một.

Nếu Chúa Giesu không xuống thế làm người thì loài người chúng ta chẳng thể nào suy tưởng theo lẽ đó. Nhưng bởi Chúa Con mặc lấy xác phàm, sống đời và chết đi như một phàm nhân nên chúng ta hoàn toàn có thể xác quyết tinh thần ấy cách mạnh mẽ rằng :"Cuộc sống của mỗi người vốn chẳng thể nào tách rời được với "sự sống" và "sự thật" của Thiên Chúa". Ta là hình ảnh của Người, và những gì thuộc về ta thì đều thuộc về Chúa. Và khi ta xác tín điều đó và cộng tác với Chúa trong việc tiến tới một thế giới như người mong đợi, khi ta trở về với Người ta có thể hân hoan và "khoe" với người về những "nén bạc" chúng ta làm cho sinh lời.

Linh đạo của Dòng Tên nói chung và Thánh I-Nhã nói riêng cho chúng ta kinh nghiệm về việc "tìm thánh ý Chúa trong mọi sự". Trong đó, Thánh nhân cũng cho hậu sinh chúng ta những gợi ý hết sức thiết thực. Khi chúng ta tìm thánh ý chúa trong mọi sự, trong từng hoạt động hăng say thì đó cũng chính là cầu nguyện, là đối thoại với Chúa. Nhưng khó khăn ở chỗ, không phải người tín hữu nào cũng được hướng dẫn và chịu được hướng dẫn để say mê với việc cầu nguyện, huống chi là tìm thánh ý Chúa. Phải chăng Chúa Thánh Thần không chỉ bảo, hoạt động trên họ sao? Nếu chúng ta suy tư theo chiều hướng đó thì chúng ta cũng có thể ý thức được rằng: không phải Thiên Chúa thôi ngừng hay quên lãng người đó, nhưng là bởi Thiên Chúa bị chối từ hợp tác bởi chủ thể đó.

Thiên Chúa tỏ mình cách tiệm tiến và với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng việc Thiên Chúa mặc khải cho ông Môsê nơi bụi gai rực cháy, được coi là mặc khải căn bản nhất trong Cựu Ước và Tân Ước "Ta là Ðấng Hiện Hữu" (YHWH) (Xh 3,13-15). Tên gọi nầy của Thiên Chúa cũng mầu nhiệm như chính Thiên Chúa: đó vừa là ý Chúa muốn tỏ mình cho ta, vừa là từ chối không cho biết Người. Thật ra Thiên Chúa vượt xa tất cả những gì con người có thể hiểu biết hay diễn tả, nhưng đồng thời Người cũng rất gần gũi con người.

Nếu bản thân mỗi người thiếu tinh thần cộng tác, đối thoại với Thiên Chúa thì còn nói gì đến cái gọi là Tin-Cậy-Mến. Nếu là một Kitô hữu thì xin đừng quên điều này. Đỉnh cao và đích đến của mối quan hệ bất kỳ là Tình yêu, và chúng đều bắt đầu từ sự hợp tác và đối thoại. Và sự gì khởi nguồn từ đầu thì cũng đều phải trở về nơi đó. Kinh nghiệm Thánh kinh và lịch sử loài người cho chúng ta nhận biết bài học đó cách sâu sắc rằng, khi mối quan hệ thiếu đi thiện chí muốn hợp tác và đối thoại, những cánh cửa dẫn đến sức sống mới hay sự sống mới đang dần dần khép lại. Ngõ hầu dẫn lối đưa mối quan hệ đó đến bờ vực của sự tan vỡ, chết chóc.

Những bậc cao niên có kinh nghiệm và trải nghiệm cuộc đời với Thiên Chúa luôn miệng nhắc nhở, dạy bảo với con cháu rằng: "Con đừng quên, nếu không có Chúa thì không có con, càng không có những gì hiện tại con đang có. Đừng quên Người và thôi ngừng cảm ơn người". Thực vậy, trong những ngày tháng đi rao giảng tin mừng, Đức Giesu luôn nhắc các Tông đồ nói riêng và những ai đi theo Người rằng:"Cứ xin thì sẽ được, cứ gõ thì cửa mở cho".

Hầu hết con người tìm đến, nương nhờ Thần linh của họ vì kiếm tìm lợi ích. "Xin cho gia đình bằng an", "xin cho dồi dào sức khỏe", "xin cho được chăm ngoan, học giỏi mai này kiếm được nhiều tiền, nổi tiếng", "xin cho được trúng số", "xin được chữa lành bệnh tật",... Hầu như ai cũng xin thay vì trò chuyện và đối thoại với Chúa. Trong khi đó, ít ai kiếm tìm "điều làm đẹp lòng Chúa", ngay cả khi Chúa dạy nhưng mấy ai để ý. Khi cuộc sống sung túc một chút, khi cái ăn cái mặc không còn là nỗi lo thường trực thì người ta có điều kiện để đi đến bất cứ đâu họ muốn. Với người tín hữu, hành hương là một trong số đó. Nhưng thông thường, không phải nơi nào họ cũng đi mà luôn có sự chọn lực từ thẳm sâu rằng nơi nào "thiêng" nhất thì đi. Họ hăng say chuẩn bị cho những chuyến đi, tỉ mỉ với từng chi tiết vì sợ đến nơi lỡ quên gì thì công cốc. Ít ai nhớ ra điều họ đang kiếm tìm lại đang hiện diện trong chính nội tại của họ, đồng hành cùng họ trên suốt dặm trường. Và thay vì cầu nguyện liên lỉ trong suốt chuyến đi, họ chuẩn bị tất cả để khi đến nơi họ dâng hết lên "vị thánh, vị thần" mà họ hướng đến. Thế đấy, chúng ta lại quên một sự thật là "Chúa chúng ta chính là vị thần quyền năng, tối thượng nhất, là vua của các vua, là Thần trên mọi vị thần".

Bất kì người tín hữu nào cũng biết, nhận và hiểu rằng "Thiên Chúa là tình yêu", Người nhân từ và đầy bao dung. Mặt khác, người còn quan tâm đến chúng ta tới mức trước khi về với Ngôi vị của mình, Ngài đã không quên hứa gửi Chúa Thánh Thần đến bảo trợ và ở cùng chúng ta. Trong sự sáng tạo, Đấng Tạo Hóa hiểu rõ "con người ở một mình thì không tốt", thế nên bằng nhiều phương diện, Ngài luôn hiện diện trong chúng ta, giữa chúng ta và bên cạnh chúng ta. "Ở đâu có hai ba người họp lại vì danh thầy thì thầy cũng ở đó".

Ngày nay, vì đồng tiền bát gạo mà con người ngày càng tinh vi hơn trong việc "mượn" danh Chúa để mà làm việc sai trái, phục vụ cho lợi ích riêng của mình. Bằng cách "Thánh" hóa các cá nhân có "công với cách mạng", họ buôn thần bán thánh với những ngẫu tượng được họa khắc tinh tế, đẹp đẽ. Thiên Chúa chỉ giới thiệu cho chúng ta một đấng bảo trợ duy nhất, đó là Chúa ngôi ba-Chúa Thánh Thần; không một ai khác, kể cả Đức Mẹ, người mang nặng đẻ đau và sinh ra người. Những câu chuyện về những cá nhân được giáo hội phong Thánh cũng chỉ được xem như là tấm gương, một hình tượng Idol để mỗi người học và sống theo chứ không phải để thờ phượng.

"Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Ðức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em". (Ðnl. 6,4-5) "Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta, thì các ngươi sẽ được cứu độ, vì Ta là Thiên Chúa, chẳng còn Chúa nào khác... Trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối và mở miệng thề rằng: Chỉ nhờ Ðức Chúa mới có thể làm điều công chính và mới có sức mạnh". (Is. 45,22-24)

Khi chúng ta tuyên xưng: "Tôi tin kính một Thiên Chúa", là chúng ta tin vào Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Thiên Chúa đã mặc khải danh Người cho ông Môsê, và là Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô. Niềm tin của Cựu Ước vào Thiên Chúa duy nhất, đã được chính Ðức Giêsu xác nhận cách chính thức, khi dạy phải yêu mến Thiên Chúa là Ðức Chúa duy nhất "hết lòng hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi" (Mc 12,30). Và Tân Ước cũng tái xác nhận niềm tin này khi phải đối đầu với đa thần giáo của dân ngoại (x.1 Cr 8,4; Ep. 4,6..)

Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Ít-ra-en là Thiên Chúa "giàu nhân nghĩa và thành tín" (Xh 34,6). Ðây là hai đặc tính căn bản nói lên tất cả những nét phong phú của danh Thiên Chúa. Trước hết Thiên Chúa là chân lý. Người không thể lừa dối, luôn trung thành thực hiện các lời đã hứa. Con người có thể hoàn toàn tin cậy vào tính chân thực và lòng trung thành của Chúa trong lời nói cũng như việc làm của Người. Tội lỗi của ông bà nguyên tổ chính là nghi ngờ về tính chân thật và lòng trung thành của Thiên Chúa. "Căn nguyên lời Ngài là chân lý Mọi quyết định công minh của Ngài tồn tại muôn năm" (Tv 118,160) "Lạy Chúa Thượng là Ðức Chúa, chính Ngài là Thiên Chúa, những lời Ngài phán là chân lý" (2 Sm 7,28) "Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán Ðầy yêu thương trong mọi việc Người làm" (Tv 145,13) Con Thiên Chúa xuống thế gian làm người "là để làm chứng cho sự thật" (Ga 18,37). "Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật" (1 Ga 5,20). Thiên Chúa không chỉ là chân lý mà còn là tình yêu. Trải qua dòng lịch sử. Ít-ra-en đã khám phá ra rằng: họ được Thiên Chúa mặc khải và tuyển chọn, hoàn toàn là vì tình yêu nhưng không của Người. Cũng chính tình yêu đó đã không ngừng giải thoát và tha thứ những bất trung của dân được chọn. Ðó là tình yêu của cha đối với con (x.Hs 11,1), tình yêu của chồng đối với vợ (x.Is 62, 4-5) bất chấp phản bội (x.Ed 16; Hs 11). Tình yêu đó đi tới tột đỉnh khi Thiên Chúa trao ban Con Một cho chúng ta (x.Ga 3,16). "Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình thương của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi" (Is 54,10). "Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương" (Gr 31,3). Nhưng mặc khải Tân Ước đã đi xa hơn, đi tới ngọn nguồn khi xác quyết: "Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4,8: 16). Bản thân Thiên Chúa là tình yêu trao đổi giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; Người muốn và ban khả năng cho ta thông phần vào tình yêu nầy, nên đã sai Con Một và Thánh Thần tình yêu đến với ta.

Sống niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất.

Thiên Chúa duy nhất, Ðấng hiện hữu làm cho mọi vật được hiện hữu. Tất cả đều lệ thuộc vào Thiên Chúa và Người làm chủ mọi loài mọi vật trên trời dưới đất.

1. Ðứng trước Thiên Chúa cao cả và bí nhiệm, con người khám phá và nhận ra mình bé nhỏ, hèn kém và tội lỗi. Nhưng sự cao cả siêu việt của Thiên Chúa không đè bẹp con người mà nâng họ dậy, làm cho họ tin tưởng, và mời gọi họ thông phần vinh quang với Người. Ông Môsê được lệnh phải cởi dép ra khi đến với Thiên Chúa chí thánh, và dù thấy mình bất tài, ông vẫn được sai đi để trở thành vị cứu tinh của Dân được chọn (x.Xh 3,1-12). Trước vinh quang thánh thiện Thiên Chúa, ngôn sứ I-sai-a phải kêu lên và hốt hoảng vì sự ô uế của mình, nhưng rồi ông đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa (x.Is 6,18). Ông Phêrô đã nhận ra sự yếu hèn trước Ðấng Thánh của Thiên Chúa (Lc 1,35): "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi", nhưng sau đó, ông đã cùng với các bạn đi theo Người làm môn đệ (x.Lc 5,8-11). Thái độ căn bản và thường xuyên của người tín hữu Kitô là khiêm tốn. Khiêm tốn là ân huệ Chúa ban, để con người nhận ra và sống bản chất đích thực của mình mà tôn thờ Thiên Chúa duy nhất cho phải đạo, nhưng thái độ và tâm tình khiêm tốn chỉ có được tùy ở mức độ con người gặp gỡ, hiện diện với Thiên Chúa. Nếu loài người được Chúa yêu thương (x.Lc 2,14), thì những người khiêm nhường bao giờ cũng là những người đầu tiên đón nhận tình thương nầy (x.GLCG 725) (x.lPr 5,6).

2. Thiên Chúa cao cả vô song đã đoái thương tỏ mình ra cho con người, cho biết danh thánh của Người, ngỏ lời với họ như với bạn hữu (MK 2). Trước tấm lòng ưu ái và ân cần của Thiên Chúa nhân lành, tâm tình hợp lý và chính đáng của con người phải là tri ân và cảm tạ. "Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Ðức Kitô Giêsu" (1 Tx 5,18).

3. Tin rằng Thiên Chúa đã mặc khải chính mình, đã đối thoại với con người (x.Br 3,38) và hằng lắng nghe con người, nhất là qua Người Con Một là Ðức Giêsu Kitô, nên chúng ta có thể tín thác vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, kêu cầu Người trong mọi lúc. "Khi tôi kêu, Chúa đã nghe lời" (TV 4,4) "Con kêu lên Ngài lạy Thiên Chúa. Vì Ngài đáp lời con. Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu" (TV 16,6).

2 nhận xét

Thông tin cần biết

GỢI Ý TÌM KIẾM